Quạt điện giờ đây có mặt hầu hết trong mọi gia đình Việt Nam. Vì thời tiết nóng bức của Việt Nam, quạt điện gắn liền với cuộc sống của người dân nước ta. Thế quạt điện có từ bao giờ?

 

Lịch sử của chiếc quạt điện.

Muốn có quạt điện thì phải có điện, nhưng điện ở Hà Nội có từ bao giờ? Ngày 6-12-1892, tòa đốc lý cho xây Nhà máy đèn Bờ Hồ (vị trí nay là Tổng công ty Điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng). Nhà máy điện hơi nước đầu tiên công suất phát điện rất nhỏ. Đến năm 1897, Nhà máy đèn Bờ Hồ được bổ sung máy, nâng công suất lên 300 mã lực. Tuy có điện nhưng vì công suất nhỏ nên chỉ đủ dùng cho Tòa Đốc Lý (nay là UBND TP Hà Nội), Kho bạc (nay là Thành ủy Hà Nội), Bưu điện và nhà viên Phó Toàn quyền ở bên kia Hồ Gươm (nay là Báo Nhân dân) và thắp sáng 523 bóng đèn, mỗi bóng 8 oát, quanh khu vực Hồ Gươm, các khu vực dành cho người Pháp và đoạn đê sông Hồng sát khu Đồn Thủy (năm 1901, tàu điện bắt đầu hoạt động nhưng sử dụng máy phát điện riêng).

Thế Quạt điện ở Việt Nam có từ bao giờ? Năm 1902, chính quyền bảo hộ đầu tư thêm máy và công suất điện lên 850 mã lực. Và bắt đầu từ năm này, một số cơ quan công quyền như Tòa Đốc Lý, Dinh Thống sứ, Dinh Toàn quyền, Bưu điện đã được trang bị quạt trần nhưng chỉ ở phòng làm việc của quan chức đứng đầu hoặc phòng họp. Công ty điện máy Descours-Cabaud là nhà thầu chính cho lô quạt trần có văn phòng ở phố Paul Bert (nay là số 3 Tràng Tiền). Ngoài cơ quan công quyền thì các phòng của khách sạn Métropole – hoàn thành xây dựng năm 1903 – cũng được lắp quạt. Thời gian này, quạt có cánh gỗ được nhập vào Hà Nội nhưng do khí hậu nóng ẩm nên cánh gỗ bị vênh cong, các nhà nhập khẩu chỉ nhập quạt cánh sắt.

Và hầu như công suất phát điện của Hà Nội không tăng trong một thời gian dài và đến năm 1922, Nhà máy đèn Bờ Hồ mới được bổ sung tổ máy, công suất phát điện mới tăng lên. Năm 1925, Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ được xây dựng và đến năm 1929, hai tổ máy đầu tiên đã phát điện, đến năm 1932 hoàn thành tiếp hai tổ máy. Từ đó, điện ở Hà Nội dư dả vì Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ tiếp tục lắp thêm các tổ máy để phục vụ cho một vài tỉnh miền Bắc. Trong thập niên 20, các rạp Quảng Lạc (phố Tạ Hiện), Chuông Vàng (Hàng Bạc), Sán Nhiên Đài (phố Đào Duy Từ) và nhiều rạp khác đều không có quạt trần nên vào mùa hè, chủ rạp thuê vài thằng nhỏ chuyên kéo quạt. Quạt làm bằng nan tre dán giấy, hình chữ nhật treo trên cao, hai góc có hai dây cho hai thằng nhỏ kéo qua kéo lại tạo gió. Đến năm 1933, các rạp này mới lắp vài quạt trần xua cái nóng, Hà Thành ngọ báo năm 1933 viết “Những khán giả đi xem cải lương dù mê đào Tửu xinh đẹp nhưng vẫn kêu oai oái và bà nào cũng thủ sẵn một cái quạt giấy”. Những năm này, Hà Nội xuất hiện quạt bàn vì thành phần trung lưu trong thành phố nhiều lên. Cuối năm 1940, quân Nhật vào Việt Nam. Theo chân quân đội là các hãng mang theo hàng hóa. Có hai mặt hàng được dân Hà Nội ưa chuộng là kem que và quạt điện hiệu Mitsubishi. Ở phố Lê Thái Tổ, có một cửa hàng bách hóa chuyên bán hàng Nhật (nay là Intimex) với sản phẩm là những chiếc quạt bàn có lồng bao, cánh bằng đồng sáng bóng.

Quạt điện thời bao cấp

Sau năm 1954, một vài cơ sở sản xuất ở Hà Nội bắt tay vào sản xuất và điện cơ Thống Nhất ra đời nhưng do công nghệ nên nhà mày lúc đó chỉ sản xuất được quạt trần số lượng nhỏ. Cùng lúc đó, quạt bàn nhãn hiệu con gấu – sản xuất ở Thượng Hải, Trung Quốc – được nhập vào Việt Nam nhưng chỉ có cán bộ trung cao cấp mới có thể mua được. Còn lại, người dân vẫn dùng quạt bàn, quạt trần từ thời Pháp. Mùa hè, vào xem phim ở rạp Tháng Tám hay xem kịch ở Nhà hát Lớn, vẫn nguyên những chiếc quạt trần hai cánh, ba cánh treo trên đầu.

Thập niên 1960, dân số Hà Nội tăng nhanh, lại thêm nhiều nhà máy lớn được xây dựng nên Hà Nội bắt đầu thiếu điện, tuy không thường xuyên nhưng nhiều khu vực luân phiên bị cắt. Để có điện phục vụ xây dựng và phát triển miền Bắc, đồng thời đáp ứng nhu cầu dân sinh, năm 1961 nhà nước đã xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí và tiến hành khảo sát xây Nhà máy thủy điện Thác Bà. Năm 1967, máy bay Mỹ đánh bom Nhà máy điện Yên Phụ nên điện ngày càng thiếu hơn. Năm 1973, dân Hà Nội đi sơ tán trở về thành phố, nhu cầu sử dụng điện mùa hè tăng lên nên điện thiếu trầm trọng. Những tối nóng nực, quanh hồ Hoàn Kiếm, dân rải chiếu ngủ đông vô kể. Chiếc quạt con cóc hay còn gọi là quạt 35 đồng (vì bán giá 35 đồng, khi đó lương khởi điểm của người mới đi làm là 36 đồng) dù phải giành giật mới mua được nhưng mất điện hay điện quá yếu trở nên vô tác dụng. Và khi có điện thì chỉ chạy một thời gian là lỗ cắm cánh nhựa bị rộng ra do trục quạt quá nóng nên nhà nào cũng phải lót thêm miếng vải cho chặt để cánh khỏi văng. Cán bộ, sinh viên đi công tác và học tập Liên Xô về, ai cũng mang theo chiếc quạt tai voi (vì 3 cánh cao su trông như tai con voi), quạt có túp- năng nhưng không có lồng bảo vệ cánh. Tuy nhiên, vì cánh bằng cao su nên không gây nguy hiểm cho con trẻ. Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, các loại quạt trần, quạt bàn sải cánh 40cm sản xuất ở Nhật theo cán bộ, bộ đội phục viên ào ra miền Bắc. Không còn nỗi lo thiếu quạt nhưng điện sinh hoạt bị cắt bất cứ thời điểm nào. Buổi tối, đèn của các gia đình ở cuối nguồn điện chỉ đủ đỏ dây tóc nên quạt Nhật đẹp, chạy êm cũng bỏ xó. Và tiếng quạt nan lại phành phạch cả đêm hè nóng bức.

Đầu thế kỷ XXI, với nhiều nhà máy  nhiệt điện, thủy điện được xây dựng tình hình thiếu điện đã được cải thiện đáng kể, và mùa hè năm nay ngành điện Hà Nội bảo đảm rằng có đủ điện phục vụ sản xuất lẫn sinh hoạt dù phụ tải tăng cao. Mức sống tăng, số gia đình lắp điều hòa cũng tăng vọt. Những ngày nắng thế này, quạt không lại, điều hòa thành thử chiếm vị trí số một.

Bài viết được viết bởi Điện Cơ Hữu Thịnh!

SĐT: 0907104459 – 0931802616

Mail: dcht.diencohuuthinh@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/diencohuuthinh

Google Map: https://g.page/diencohuuthinh

Địa Chỉ: 149/14 Nguyễn Duy Cung Phường 12 Quận Gò Vấp TPHCM